Thành phố Hạ Long |
Thành phố Hạ Long là tỉnh lỵ, trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của tỉnh Quảng Ninh. Phía đông Hạ Long giáp thị xã Cẩm Phả, tây giáp huyện Yên Hưng, bắc giáp huyện Hoành Bồ, nam là vịnh Hạ Long với bờ biển dài trên 20 km. Diện tích: 21.430,58 ha tự nhiên, dân số: 203.731 nhân khẩu - Nghị định Chính phủ số 58/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 (2006). Tiền thân của thành phố này là thị xã Hòn Gai. |
Hạ Long là một đỉnh của tam giác công nghiệp miền Bắc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Việc khai thác than đã hình thành từ lâu và trở thành một thế mạnh của thành phố với nhiều mỏ lớn: Hà Tu, Hà Lầm, Tân Lập, Núi Béo và hàng chục mỏ nhỏ, mỗi năm khai thác trên 10 triệu tấn than các loại. Gắn liền với các mỏ là các nhà máy sàng tuyển, cơ khí các xí nghiệp vận tải và bến cảng.
Hạ Long phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm hải sản. Nhà máy đóng tàu Hạ Long có thiết kế đóng tàu dưới 53.000 tấn, là nhà máy đóng tàu hiện đang chuẩn bị mở rộng và tăng thiết bị để có thể đóng tàu trọng tải tới 53.000 tấn có thiết kế lớn nhất nước ta.
Tại thành phố Hạ Long đang xây dựng nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, tổng công suất 1.200 MW đặt ngay cạnh Cầu Bang.
Hạ Long có nhiều mỏ đất sét rất tốt, đang có 6 nhà máy sản xuất gạch ngói chất lượng cao, cung cấp cho trong và ngoài tỉnh, có một phần xuất khẩu.
Thành phố Hạ Long có cảng nước sâu Cái Lân đã được xác định là cảng quốc gia.
Thành phố Hạ Long là một trung tâm buôn bán lớn. Hàng xuất khẩu chủ yếu là than và hải sản, hàng nhập khẩu là xăng dầu, máy mỏ, sắt thép, phương tiện vận tải. Hạ Long là đầu mối buôn bán các mặt hàng công nghiệp, lương thực, thực phẩm cho sản xuất và tiêu dùng của vùng công nghiệp mỏ và vùng du lịch.
Chợ Hạ Long I là trung tâm buôn bán lớn nhất của thành phố,ngoài ra Thành phố đang xây dựng nhiều công trình lớn như: Chợ Hạ Long II (hay còn gọi là chợ Long Toong); trung tâm thương mại An Hưng Plaza; Khu đô thị Hạ Long, Khu trung tâm thương mại Cột 5 v.v...
Về giao thông, Hạ Long nằm trên quốc lộ 18 nối từ Bắc Ninh tới cửa khẩu Móng Cái đã được nâng cấp. Từ Hạ Long có thể đến Uông Bí và theo quốc lộ 10 tới đường quốc lộ 1A xuyên Việt tại thành phố Ninh Bình cũng sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc theo chương trình "Hai hành lang, một vành đai kinh tế".
Thành phố còn có những bãi đỗ cho sân bay trực thăng và thuỷ phi cơ. Hiện nay mới có máy bay trực thăng hàng tuần đưa khách đi du lịch từ Hà Nội tới Bãi Cháy. Thành phố có ga đầu đường sắt Kép - Hạ Long nối đến cảng Cái Lân.
Thành phố còn có tiềm năng lớn phát triển giao thông thuỷ. Cảng Cái Lân có khả năng tiếp nhận 1 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Cảng xăng dầu B12 có thể tiếp nhận 30.000 tấn, mỗi năm nhập rồi xuất trên dưới 1 triệu tấn xăng dầu. Cảng Hòn Gai có thể đón tàu 1 vạn tấn vào sát bờ, các tàu lớn hơn có thể chuỷên tải từ vùng cảng nổi trong vịnh. Thành phố còn có bến tàu khách thuỷ đi nhiều nơi trong tỉnh và về thành phố Hải Phòng.
Hạ Long là thành phố du lịch; một trung tâm du lịch lớn nhất miền bắc và số lượng khách du lịch đứng thứ 2 sau sài gòn
Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là nơi hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Gắn liền với vịnh Hạ Long, phường Bãi Cháy và các phường Tuần Châu, Hùng Thắng đang là vùng phát triển các khách sạn nhà hàng và xây dựng các công trình du lịch. Hiện đã có khoảng 20 khách sạn lớn nhỏ (nhiều khách sạn 4, 5 sao) với hơn 2.000 phòng có thiết bị đầy đủ đón khách quốc tế và hơn 300 khách sạn nhỏ. ở bờ biển Bãi Cháy, bãi tắm đã được tu bổ và một công viên vui chơi đã hình thành. Ngoài vịnh, với gần 30 hang động đã được phát hiện, các hang động Thiên Cung, Ðầu Gỗ, hang Sửng Sốt đã được tu bổ tạo thêm sức hấp dẫn.
Các địa chỉ lịch sử, các sinh hoạt văn hoá và sinh cảnh, các đồi thông, các công viên thành phố đang được khai thác để đón hơn 1 triệu khách trong những năm tới.
Hạ Long đang đứng đầu trong danh sách bình chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Theo Wikipedia
|
[ In trang ] [ Đóng lại ] |